Lịch sử hình thành

Giới thiệu về lịch sử Đảng bộ xã

Xuân Lam là xã có bề dày truyền thống đấu tranh cách mạng, xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương. Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, với tinh thần tự lực, tự cường, nhân dân Xuân Lam đã phấn đấu vượt qua mọi khó khăn gian khổ, biến vùng đất này thành những xóm làng trù phú. Từ ngày có Đảng, cùng với nhân dân cả nước, cán bộ và nhân dân Xuân Lam đã đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", kết thúc 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, từ đó miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiến hành cuộc cách mạng chống đế quốc Mĩ xâm lược, làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền xã, nhân dân Xuân Lam đã và đang tích cực thực hiện công cuộc đổi mới, đưa cuộc sống ấm no, hạnh phúc đến với mọi nhà.
Nhằm ghi lại những trang sử hào hùng đó và để thực hiện tốt Chỉ thị 15/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 28.8.2002 về tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam ở các địa phương và các ngành; thể theo nguyện vọng của cán bộ và nhân dân, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Xuân Lam đã ra nghị quyết và chỉ đạo tiến hành việc sưu tầm tư liệu, tổ chức biên soạn và xuất bản cuốn sách Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Xuân Lam (1930 - 2010).
Trong quá trình sưu tầm tư liệu, Ban Biên soạn đã nhận được sự cộng tác, giúp đỡ về nhiều mặt của các đồng chí lão thành cách mạng, các cụ cao niên và bà con nhân dân trong xã, những người trực tiếp chứng kiến những sự kiện lịch sử của quê hương. Mặt khác, chúng tôi cũng nhận được sự cộng tác có hiệu quả của một số địa phương liên quan; sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nghi Xuân, sự giúp đỡ tận tình của Trung tâm Xuất bản - Truyền thông Quốc gia, cuốn sách đã được hoàn thành và ra mắt bạn đọc.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Xuân Lam, chúng tôi xin chân thành cảm ơn các tập thể và cá nhân đã có những đóng góp quý báu cho quá trình biên soạn và xuất bản cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Xuân Lam (1930 - 2010)”.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song do các sự kiện lịch sử diễn ra đã lâu, nguồn tư liệu lưu trữ hạn chế... nên cuốn sách không tránh khỏi những khiếm khuyết nhất định. Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc gần xa để lần tái bản sau, cuốn sách được hoàn thiện hơn.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc!
 
BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ XÃ XUÂN LAM
 
Chương I

QUÊ HƯƠNG VÀ CON NGƯỜI XUÂN LAM
 
I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI
Xã Xuân Lam huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh có độ dốc dần từ Đông sang Tây. Dân số của xã hơn  3000 khẩu (gồm 760 hộ), định cư và canh tác trên địa bàn 5 thôn được sắp xếp theo thứ tự từ thôn 1 đến thôn 5. Phía Bắc giáp núi Ngũ Mã, xã Xuân Hồng; phía Nam giáp phường Trung Lương (Thị xã Hồng Lĩnh); phía Đông giáp xã Xuân Lĩnh, ngăn cách bởi dãy núi Hồng Lĩnh; phía Tây giáp xã Hưng Nhân huyện Hưng Nguyên, ngăn cách bởi dòng sông Lam.
Diện tích tự nhiên của Xuân Lam 1.430 ha, trong đó đất canh tác hơn 300 ha. Số diện tích còn lại chủ yếu là đất rừng, sông ngòi. Chất đất chủ yếu là đất thịt nặng và một phần đất phù sa do sông Lam bồi đắp (ở phía Tây xã) thuận tiện cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên cơ sở xây dựng các mô hình trang trại VAC, VACR… Qua nhiều lần quy hoạch, cải tạo, một số loại đất có chất lượng kém được cải tạo, làm cho diện tích đất có chất lượng tốt hơn được tăng cường, như: Đất thịt, đất sét pha cát, đất phù sa bên bờ sông... Người dân Xuân Lam từ lâu đã áp dụng một cách khoa học, hiệu quả các hình thức canh tác, các loại cây trồng vào điều kiện thổ nhưỡng từng vùng, từng khu vực cụ thể nhằm tận dụng một cách tối đa nguồn lực tự nhiên và phát huy hiệu quả về năng suất, sản lượng.
Tuy nhiên, đất nông nghiệp ở Xuân Lam lại có đặc điểm riêng. Đó là: tầng canh tác mỏng, phù sa ít, lại thường xuyên bị xói mòn, rửa trôi vào mùa mưa do địa hình xã dốc dần từ Đông sang Tây. Do đó, để phát huy hiệu quả sản xuất trên từng vùng canh tác, ngoài việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng hợp lý, ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì việc thường xuyên cải tạo nguồn đất đai là điều kiện cần thiết, vì đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể phục hồi được.
Ngày nay, cùng với nhiều chủ trương, cơ chế mới trong sản xuất nông nghiệp được xã Xuân Lam triển khai một cách có hiệu quả thì diện tích đất canh tác nông nghiệp cũng được mở rộng (chiếm 44,4% tổng diện tích tự nhiên). Hệ thống kênh mương đang được người dân chung sức đầu tư xây dựng, tu bổ nhằm tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Từ chỗ chỉ gieo, trỉa được 1 vụ lúa mùa, nay Xuân Lam đã có 2 vụ lúa tốt tươi. Cảnh người dân oằn lưng gánh lúa đi xa hàng km đã lui vào dĩ vãng. Các loại phân bón vô cơ, hữu cơ, vi sinh, các loại giống lúa mới có năng suất cao được ứng dụng phổ biến vào đồng ruộng. Vì thế, Xuân Lam đã và đang trở thành vùng trọng điểm lúa của huyện Nghi Xuân.
Rừng núi ở Xuân Lam chiếm 45,6% diện tích. Khi xưa, Ngàn Hống với thảm thực vật phong phú, động vật đa dạng, trở thành nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân. Các nguyên, vật liệu xây dựng đền, đình, làm nhà (chủ yếu là gỗ, đá ) và dược liệu chữa bệnh cũng được người dân Xuân Lam khai thác, bảo tồn. Trên núi có hang sâu ở Lài Thánh và có đỉnh Mỏ Buồm cao 396 m. Ngàn Hống nơi có nhiều danh thắng như: núi Ngọc Lầu - Suối Tiên; Am Dong - Bạch Đế - Hải Sơn (Kim Liên tự)... Những hòn đá trên núi mang huyền thoại của ông Khổng Lồ từ buổi hồng hoang. Khe suối bắt nguồn từ trên núi chảy qua đồng bằng đổ ra sông Lam, gồm: khe Mạng, khe Sú, khe Vực, khe Muôi, khe Lù Cù, khe Máng, khe Bắc Cầu... Ngoài ra, nơi đây còn có một số con hói: hói Quan, hói Chỏi, ao Rồng, hói Rong, hói Hàng, hói Chầm Vồ, hói Nhánh và hệ thống ao hồ chạy dọc (ở làng Chế để yếm mũi Nê, đồng thời bảo vệ làng).
Hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn xã Xuân Lam cũng khá thuận lợi trong đó đáng chú ý nhất là Quốc lộ 1A chạy qua địa bàn xã. Cầu Rong, cầu Hàng và hệ thống truyền tải điện là trọng điểm đánh phá của đế quốc Mỹ trong chiến tranh phá hoại. Xưa kia đường hẹp chỉ có xe kéo - cáng, sau nữa có ô tô Hồng Ký - Nguyễn Tuân chạy tuyến Hà Tĩnh - Vinh bằng than đốt (động cơ hơi nước). Ngoài ra, các tuyến đường liên hương, liên xóm, đường xương cá trên địa bàn cũng thường xuyên được nâng cấp, sửa chữa và mở rộng; lưu lượng xe qua lại ngày càng nhiều, trở thành những con đường quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của xã.
Giao thông đường thủy có sông Lam giúp nối liền các chợ Thượng, chợ Trổ (Đức Thọ), chợ Vinh (Nghệ An), chợ Chế, chợ Đình,... tạo nhiều thuận lợi trong việc giao lưu, giao thương và tiếp cận với bản sắc văn hóa, văn minh giữa các vùng miền…
Với sự hỗ trợ của Nhà nước, các lợi thế để phát triển thương mại, dịch vụ và kinh tế hàng hóa đang được Xuân Lam khai thác và sử dụng một cách hiệu quả.
Về thời tiết, khí hậu: Nằm trong đới khí hậu Bắc Trung bộ nên Xuân Lam chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.600 – 1.800 mm, tập trung vào các tháng cuối mùa hạ. Lịch sử đã ghi lại những trận bão, lũ xảy ra trên địa bàn như: trận bão năm Nhâm Dần (1902), trận lụt năm Quý Mão (1903) hoặc các trận bão lũ vào năm Bính Ngọ (1846), tháng 8 Nhâm Thìn (1892), năm Giáp Ngọ (1954), năm Canh Tý (1960) năm Mậu Ngọ (1978)...
Mùa nóng tập trung vào tháng 6, tháng 7, thường có gió Phơn Tây Nam (gió Lào) và gió Đông Nam (gió Nồm). Gió Tây Nam khô và nóng, làm cho nước bốc hơi nhanh, đồng ruộng khô hạn. Khi chưa có hệ thống nông giang và hồ đập, những đợt gió Tây Nam kéo dài gây thiệt hại lớn đến mùa màng và sức khỏe con người. Gió Nồm thường thổi vào buổi chiều, mang theo nhiều hơi nước làm dịu mát sau những giờ nắng nóng ban ngày.
Mùa lạnh chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc gây lạnh và mưa phùn. Nhiều khi mưa dầm kéo dài nhiều ngày, ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và đời sống.
Xưa kia, người dân Xuân Lam chỉ biết trông chờ vào trời đất, thiên nhiên, luồn tránh thiên nhiên để duy trì sản xuất bằng 1 vụ trỉa, bắc mạ cấy lúa mùa dài suốt 6 tháng. Hạn hán khô kiệt cả nước uống phải làm lễ cầu yên, cầu mưa. Gió to, bão lớn thì chặt cây chống nhà. Thiên nhiên hung dữ đã nhiều năm đe dọa, làm cho người dân Xuân Lam vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Ngày nay, đánh giá đúng, nghiêm túc những thuận lợi, khó khăn của vùng đất Xuân Lam, cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân đã, đang từng bước tìm những biện pháp thích hợp nhằm tận dụng, phát huy tối đa những mặt tích cực; hạn chế tối đa những mặt khó khăn để hình thành những hướng phát triển đúng đắn, hợp thực tế nhằm ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế, xã hội bắt kịp với tiến trình hội nhập của đất nước.
II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH DÂN CƯ VÀ LÀNG XÓM
Ngược dòng lịch sử, Ngàn Hống xưa là vùng núi rừng rậm rạp có nhiều loại gỗ quý như: lim, sến, táu...và nhiều củ mài, củ nâu, hạt gấm cùng các loại dược liệu và động vật như: hươu, nai, chồn, cáo, lợn rừng, đa đa, gà ri, bìm bịp, chim cuốc, chim sáo, chim gáy... Địa bàn xã Xuân Lam nằm trên nền đất cổ gồm 2 làng: làng Quả Phẩm (làng Chế) và làng Yên Cư. Làng Quả Phẩm gồm 3 thôn: Lộc Điền, Sùng KhánhLong Thịnh thuộc tổng Tam Đăng (Tam Xuân) huyện Nghi Xuân; làng Yên Cư thuộc tổng Thịnh Quả, phủ Đức Thọ.
Tháng 12.1945, thực hiện chủ trương của Chính phủ: bãi bỏ chính quyền cấp làng và tổng, thành lập chính quyền cấp xã, các làng ở huyện Nghi Xuân đã được sáp nhập thành 13 xã; trong đó có xã Tam Xuân. Xã Tam Xuân gồm các làng: Tam Xuân thượng, Tam Xuân hạ, Yên Xử và làng Chế (hay còn gọi là Quả Phẩm); đến đầu năm 1946, sáp nhập thêm làng Yên Cư. Khi nhập thành xã Tam Xuân, làng Yên Cư được đổi tên thành Xuân Minh (khu vực A), làng Quả Phẩm được đổi thành Xuân Dương (khu vực B). Sau này, do bị lũ lụt tàn phá làm sạt lở gần hết vùng đất ở bên bờ sông Minh, dân làng Yên Cư phải di cư qua sông, qua cánh đồng Bấn, đồng Chế và lập nên những xóm mới. Từ đó, đất làng Yên Cư được chia thành 4 xóm: số dân ở lại làng cũ gọi là xóm Minh Chính; dân ở vùng đồng Bấn, đồng Chế gọi là xóm Minh Tân; dân ở vùng chân núi Đường 1A gọi là xóm Minh Sơn; vùng dân ở bãi bồi sông Lam (bãi Gành) gọi là xóm Minh Giang. Làng Quả Phẩm (Xuân Dương) được chia thành 2 xóm: Dương Phúc và Dương Thịnh. Sau thắng lợi phát động quần chúng giảm tô, ngày 01/5/1954, xã Tam Xuân được tách thành 2 xã: xã Xuân Hồng và Xuân Lam. Cũng theo đó, làng Yên Cư được đổi tên thành Hồng Minh, làng Quả Phẩm đổi thành Hồng Lam.
Tính đến năm 2010, làng Yên Cư có 12 dòng họ, họ Trần là đông nhất; làng Quả Phẩm có dòng 16 họ, họ Phạm là đông nhất. Trước đây, các dòng họ đều có nhà thờ nhưng do thiên tai, chiến tranh tàn phá, chỉ còn nhà thờ họ Trần Khắc ở Yên Cư được hơn 100 năm. Sau khi đất nước thống nhất, các dòng họ đều lập từ đường để thờ cúng. Hiện nay, toàn xã có 33 nhà thờ họ. Hàng năm, đến ngày giỗ chạp hoặc các ngày rằm tháng giêng, rằm tháng bảy, con cháu trong họ dù làm ăn xa cũng về gặp mặt cúng lễ ở nhà thờ họ, tưởng nhớ đến những người đã khuất và cầu mong sự bình yên, may mắn trong gia đình.
Đến năm 2010, dân số của xã hơn 3.000 nhân khẩu (gồm 760 hộ), định cư và canh tác trên địa bàn 5 thôn được sắp xếp theo thứ tự từ thôn 1 đến thôn 5.
Như vậy, về mặt ranh giới địa lý cũng như về lịch sử, tên gọi xã Xuân Lam có sự thay đổi theo từng giai đoạn cụ thể. Ở mỗi giai đoạn tương ứng với một tên gọi. Sự thay đổi đó nằm trong chiến lược quản lý của các triều đại phong kiến trước đây cũng như của Nhà nước Việt Nam ta hiện nay. Tuy vậy, xuyên suốt quá trình lịch sử dựng làng, giữ nước, người dân nơi đây đã có công xây dựng mảnh đất Xuân Lam thành một vùng đất trù phú. Từ những bối cảnh lịch sử đó tạo cho con người Xuân Lam bản lĩnh và truyền thống tốt đẹp: cần cù, yêu quê hương, yêu đất nước, giàu nghị lực, có tinh thần cách mạng, đoàn kết và là nơi có nhiều phong tục, tập quán đáng quý được lưu truyền và gìn giữ.

III. ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT VÀ TINH THẦN

Về tập quán sản xuất

Cũng như nhiều địa phương khác trong huyện, cư dân Xuân Lam xưa kia vẫn lấy sản xuất nông nghiệp làm nghề căn bản. Người nông dân chủ yếu phải dựa vào thời tiết để cơ cấu mùa vụ. Kỹ thuật canh tác chính vẫn là: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Do đặc điểm địa hình là vùng đồng xen lẫn vùng bãi nên đất đai khá màu mỡ, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp với các loại hoa màu theo mùa vụ. Hình thức canh tác gồm hai vụ là: vụ Chiêm (cấy vào tháng 12 âm lịch) và vụ Mùa (cấy vào tháng 5 âm lịch) trên đồng nước (còn gọi là đất hai lúa); phía đất bãi cũng được người dân khai thác hiệu quả với các loại cây màu như: ngô, khoai, sắn, đậu, lạc, vừng… Các biện pháp thâm canh tăng năng suất, phòng trừ sâu bệnh, làm thủy lợi còn mang tính thô sơ, lạc hậu và hầu như rất ít. Phân bón ruộng chủ yếu là phân chuồng, phân xanh. Công cụ sản xuất là cày chìa vôi, bừa cỏ răng gỗ, vồ đập đất, liềm, hái nên năng suất lúa thấp.
Từ ngày đất nước giành độc lập, nông nghiệp ngày càng được chú trọng, nhân dân Xuân Lam cũng từng bước tiếp thu và vận dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác đất hiệu quả hơn. Từ cơ cấu mùa vụ đến chuyển đổi cây trồng đều được người dân triển khai thực hiện hiệu quả mỗi năm 3 vụ (Đông xuân, Hè thu và vụ Đông). Các giống lúa cao sản được du nhập sớm khiến năng suất lúa trên địa bàn luôn đứng nhất nhì trong toàn huyện. Theo chủ trương của Đảng, sau thời kỳ hiến điền đã có các tập đoàn làm công điền như hợp tác xã lao động làm ruộng công ở Hồng Lam, hợp tác xã nông nghiệp làm đất màu ở bãi Gành. Bên cạnh đó, người dân cũng tận dụng những thuận lợi về giao thông để buôn bán nhỏ và du nhập, phát triển thêm một số nghề phụ, như: nghề mộc, xây dựng, gạch ngói...
Những năm gần đây, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, với tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, đoàn kết, sáng tạo, dám nghĩ và dám làm làm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Xuân Lam đã phát huy mạnh mẽ tinh thần và nghị lực; khai thác tốt tiềm năng sẵn có; tận dụng và huy động hiệu quả các nguồn lực; chấp nhận thử thách, tạo và chớp thời cơ để xây dựng và phát triển quê hương ngày một ấm no, thịnh vượng. Trong điều kiện có nhiều vùng ruộng đất canh tác khác nhau, với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý để tạo ra hiệu quả cao trên từng đơn vị diện tích, Xuân Lam đang tập trung mọi cố gắng để biến tiềm năng đất đai, lao động thành hiệu quả kinh tế.